Cát Cát ở Sapa – Ngôi làng cổ nhất Tây Bắc
Bản Cát Cát là một bản người Mông, thuộc xã Hoàng Liên (tên xưa là San Xả Hồ, nghĩa là ngả ba suối) nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn nhưng chỉ cách trung tâm Sapa có 3 cây số. Một người nói với tôi rằng bản có tên Cát Cát là do ở đây có thác nước rất đẹp, mà “thác nước” trong tiếng Pháp là “cascade” đọc na ná như “cát cát” nên hồi mở Sapa, người Pháp gọi là Bản Cát Cát rồi thành tên.
Tuy nhiên, ông Giàng Seo Gà – nguyên giám đốc Trung tâm Văn hoá huyện Sapa đã nghỉ hưu, được mời làm cố vấn văn hoá cho Công ty Cát Cát đang làm du lịch ở đây đính chính lại với tôi rằng cái tên Bản Cát Cát có từ xa xưa, xuất phát từ chữ “ca ca” tiếng Mông nghĩa là “dưới chợ”.
Khám phá Bản Cát Cát ở Sapa ;
Bản Cát Cát có núi, có thác, có con suối khá rộng đẹp chảy xuyên qua, có ruộng bậc thang, có những ngôi nhà truyền thống của người Mông vách gỗ, mái bằng ván gỗ pơ mu, có cái đã có tuổi đến vài trăm năm. Điều quan trọng là những thế mạnh của bản, về cảnh quan thiên nhiên, về nhà cửa, văn hoá, lối sống, dịch vụ, ẩm thực… được khai thác và tổ chức có nghề khiến cho Bản Cát Cát trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, hút khách và sống động.
Đi vào Bản Cát Cát, chúng ta sẽ đi theo con đường lát đá khá dài dẫn đến thác Tiên Sa, nơi có Bản Cát Cát – Village Cat Cat, một cụm dịch vụ du lịch gồm các nhà hàng, các điểm tạo cảnh và trồng cây, hoa đẹp để du khách có thể chụp ảnh cùng các loại trang phục các dân tộc.
Nơi có Cát Cát Show trong đó những người đàn ông, đàn bà, các chàng trai, cô gái Bản Cát Cát ở Sapa biểu diễn các tiết mục tái hiện khá sinh động các hoạt động đời sống và lao động của đồng bào Mông; nơi trẻ em có thể thoả thích lội nghịch trong đoạn suối cạn khá rộng lòng…
Và hai bên con đường lát đá xuyên Bản Cát Cát đó giống như một dãy nhà phố rất dài với các gian – quầy tạp hoá bán sản vật của địa phương, đồ lưu niệm hoặc các đồ thiết yếu dành cho khách du lịch. Chen vào đó là quán giải khát, các quán ăn chủ yếu cũng bán các món đặc sản truyền thống.
.Do con đường len lỏi khi lên khi xuống nên nhiều chỗ lộ ra những khoảng trống để ngắm núi non, thung lũng, ruộng bậc thang. Những khoảng trống như thế được trồng cây hoa và bày trí để du khách thoả mãn sở thích chụp ảnh tự sướng. Độc đáo là một số ngôi nhà Mông cổ rêu phong được bảo toàn nguyên vẹn với mái gỗ rêu phong, với đầy đủ những vật dụng và cách bài trí truyền thống bên trong để khách thưởng ngoạn.
Đi giữa Bản Cát Cát ở Sapa, tôi cứ liên tưởng đến khu làng văn hóa các dân tộc ở quần đảo Hawaii thuộc Mỹ giữa Thái Bình Dương mà tôi có dịp đến. Những nét văn hoá, đời sống của các tộc thổ dân ở Bản Cát Cát được khai thác có tổ chức và trình nghề rất cao khiến cho một số hoạt động, những nét độc đáo văn hoá ẩm thực của họ không những có cơ may được bảo tồn mà sinh lời đáng kể.
Hàng chục năm trôi qua mà tôi vẫn còn thấy sống động trong đầu những màn tái hiện cuộc sống lao động của những người thổ dân cởi trần đóng khố giữa Thái Bình Dương đó. Chẳng hạn như cảnh một anh chàng leo nhanh như mèo lên cây dừa, chặt chùm quả rồi tụt xuống tước vỏ, đập lấy cùi dừa và mài thành thứ chất lỏng sền sệt dùng để chế biến món ăn và cất lấy dầu. Tất cả chỉ mất có vài phút.
Cuộc sống của người Mông xưa tại Bản Cát Cát ở Sapa chúng ta có thể hình dung qua việc ngắm nhìn những phụ nữ ngồi lặng lẽ tước vỏ cây lanh, lăn dập nhuyễn rồi xe thành sợi và dệt thành vải, thành thổ cẩm, vẽ sáp ong để nhuộm tạo thành những màu sắc và hoa văn độc đáo. Cũng có thể hình dung qua các tiết mục phong phú, đậm chất liệu Mông của Cát Cát Show được trình diễn nhiều lần trong ngày…
Tôi ngạc nhiên, thậm kinh ngạc cách vận hành du lịch của bản người Mông cho đến khi nói chuyện với anh Phạm Quang Long – Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên du lịch Cát Cát, đơn vị đóng vai trò chính trong cái mà có thể coi là câu chuyện cổ tích của một bản người Mông xưa kia nghèo nay lột xác thành một điểm du lịch Sapa sáng giá.
Người sáng lập Công ty Cát Cát là một phụ nữ còn trẻ. Là người thích “phượt”, chị đã gặp nhiều mô hình du lịch độc đáo và học hỏi được nhiều kiến thức và bí kíp. Quan trọng nhất đối với một địa danh như Cát Cát không chỉ là tận dụng thật tốt cảnh quan thiên nhiên mà điều quan trọng là phải huy động được toàn thể dân bản quan tâm và tham gia vào làm dịch vụ, trong khi vẫn phải cơ bản bảo toàn được những nét văn hoá truyền thống.
Từ khoảng 20 năm trước trở lại, hằng năm Cát Cát cũng có một số lượng khách du lịch nhất định tới thăm. Bởi ở đây có một nhà máy thuỷ điện nhỏ xây từ đầu những năm 20 thế kỷ trước, tức là một trong những nhà máy thuỷ điện xây dựng sớm ở nước ta.
Trải qua báo biến thiên, nhà máy giờ không còn phát điện nữa nhưng vẫn giữ nguyên không những vị trí mà cả ngôi nhà công trình, một số cột điện, vết tích máy móc. Cũng đã từng có công ty du lịch nhà nước khai thác Bản Cát Cát nhưng kém hiệu quả. Một phụ nữ đã mua lại dịch vụ ở đây, phát triển thành công ty Cát Cát và đặc biệt là tổ chức Bản Cát Cát ở Sapa thành điểm du lịch nổi tiếng như ngày nay.
Trước hết là vận động người dân bảo tồn nhà cửa, ở những địa điểm thuận lợi thì tự kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng. Một số nghề truyền thống như trồng lanh, tước vỏ xe sợi, dệt vải, vẽ sáp ong, nhuộm màu… được nỗ lực bảo tồn; công ty tiếp nhận và trả lương cho một số người có tay nghề cao trong các khâu để họ bảo tồn nghề và hàng ngày làm cho khách du lịch xem, ngoài ra còn cho phép họ bán và thụ hưởng tiền thu được.
Dân ở Bản Cát Cát được đào tạo kiến thức và kỹ năng dịch vụ du lịch và nhiều người được tiếp nhận vào các đội bảo vệ, dịch vụ, văn nghệ… nên có thu nhập ổn định cao hơn tự làm kiếm sống trước đây nhiều.
Ngay cả trẻ em trước đây có hiện tượng ngoài giờ đi học hoặc bỏ học đi xin tiền du khách cũng được tập hợp lại, cho học tiếng, chữ viết dân tộc Mông, các bài hát truyền thống Mông và cũng được trả tiền bồi dưỡng cho việc tham gia, trong những dịp cả ngày là 100 nghìn đồng/ngày vv…
Tóm lại là người dân Bản Cát Cát từ lớn đến bé đều quan tâm đến dịch vụ du lịch của bản mình và hầu hết cố gắng tham gia ở mức có thể.
Tôi đã quanh quẩn khá lâu chỗ nghệ nhân vẽ sáp ong Lù Thị Máy hỏi chuyện nghề của bà. Bà Máy năm nay đã bảy mấy gần tám mươi tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh và cần mẫn hằng ngày ngồi vẽ sáp ong thành các hình hoa văn khá đẹp của văn hoá Mông rồi đưa đi nhuộm để lưu hình trên vải. Bà là người có tay nghề giỏi nhất của cả Bản Cát Cát và đang cố gắng truyền nghề lại cho vài cháu.
Ngay cạnh bà Máy là Sùng Thị Vang – một phụ nữ trẻ khá xinh đẹp đang ngồi trước khung cửi dệt vải. Vang đã làm nghề này 7 năm, vừa là biểu diễn cho khách du lịch xem cách người Mông dệt vải, vừa thu được sản phẩm bán để thêm thu nhập ngoài lương được nhận từ công ty.
Kế bên Vang là một phụ nữ Mông khác đang nhịp nhàng nhún đưa con lăn để làm dập và mềm vỏ cây lanh, xe thành sợi… Mỗi người một việc, một công đoạn của quy trình và họ thu hút sự chú ý của khá đông khách du lịch.
Tôi cũng dành nhiều thời gian để xem lớp dạy hát của thầy Giàng Seo Gà dạy mấy chục trẻ con của bản Cát Cát. Hôm đó là ngày nghỉ nên các em đến học đông. Những cô cậu người Mông nhỏ chắc mới 4 – 5, lớn 11 – 12 tuổi rất hào hứng tập hát những bài hát tiếng Mông (bài của người Mông hoặc bài được dịch sang tiếng Mông). Ngoài chuyện nuôi dưỡng cái mạch nguồn văn hoá dân tộc, lớn lên, nếu các cô cậu này không thoát ly bản thì có thể sung vào các đội dịch vụ, trong đó có đội văn nghệ chuyên biểu diễn “Cát Cát Show”.
Tôi cũng xem trọn một “Cát Cát Show” – một chương trình văn nghệ trong đó người bản Cát Cát, chủ yếu là các nam thanh nữ tú trình diễn những bài hát dân tộc, những điệu múa mô phỏng các hoạt động lao động, sản xuất và đời sống hằng ngày của đồng bào Mông như phát nương; gieo tra hạt giống lúa, ngô; giã sàng sảy ngô, gạo… Show có mấy suất diễn trong ngày, khách chỉ cần dành thêm chút thời gian là ai cũng có thể xem.
Tôi đã đi một số bản làng có tiếng trong tổ chức mô hình du lịch, thấy Bản Cát Cát ở Sapa là một trong những mô hình thành công đáng chú ý. Mặc dù các trang mạng giới thiệu du lịch Sapa chưa viết đến mức là chưa đến Bản Cát Cát ở Sapa thì coi như chưa đi Sapa nhưng giờ thì du khách đến thị xã Sapa nghỉ mát này khó mà không đến địa chỉ này. Mong cho Cát Cát không phát triển quá nóng, bảo tồn được cả thiên nhiên và văn hoá để thực sự là một mô hình du lịch Sapa độc đáo và bền vững.
Tác giả: Lê Xuân Sơn – Báo Tiền Phong